Doanh nghiệp hiện nay có nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết, mỗi ngày thu thập không biết bao nhiêu là thông tin.
Theo Eric Schmidt, giám đốc điều hành Google, “cứ 2 ngày lượng thông tin tạo ra tương đương với những gì người ta tạo ra từ khi có nền văn minh cho đến năm 2003″ (năm 2003 được xem là cột mốc bùng nổ thông tin). Kể từ năm 2010 cái tên “dữ liệu lớn” (Big Data) ngày một nóng. Tuy nhiên cách thức sử dụng dữ liệu trong doanh nghiệp chỉ mới có “nói mà không có hành”. Theo cuộc khảo sát Annual Digital IQ (chỉ số thông minh số) mới đây, có khoảng cách lớn giữa “biết và làm” khi đề cập đến mức độ quan tâm về các mối đe dọa tiềm tàng đối với triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp (Canada), và cách thức đối phó với các mối đe dọa này.
Theo mô hình của Allaire và Firsirotu (2004), doanh nghiệp cần thay đổi văn hóa công ty, cơ cấu tổ chức và nhân sự để phân tích dữ liệu tốt hơn và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, và có được lợi thế cạnh tranh nhờ thấu hiểu dữ liệu.
- Thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Kinh doanh dựa trên dữ liệu không thể đột nhiên mà làm được. Nó đòi hỏi sự đồng lòng từ trên xuống dưới và cần người quản lý cấp cao làm đầu tàu. Các công ty kinh doanh trong lĩnh vực kỹ thuật số từ đầu như Google, Amazon và Netflix là những ví dụ tuyệt vời, các nhà quản lý của họ hẳn nhiên thực hiện chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu. Không phải mọi giám đốc đều có nền tảng kiến thức như các CEO của Amazon hay Google, tuy nhiên họ cũng có thể thành công nếu “mong muốn đào sâu các phương pháp phân tích, sẵn lòng tham gia thảo luận với các chuyên gia định lượng và dũng cảm buộc nhân viên suy nghĩ và hành động dựa trên phân tích”, xem phân tích dữ liệu như một cách để đưa ra quyết định từ thực tế (chứ không từ trên trời!).
Cam kết của lãnh đạo cấp cao là rất quan trọng, vì họ là người truyền lửa và bảo vệ định hướng văn hóa này, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho các nguồn lực thích hợp.
- Nhân lực
Để kinh doanh dựa trên dữ liệu, công ty cần có nhân lực phù hợp, cần có các chuyên gia thành thạo trong việc phân tích dữ liệu, xác định mô hình, đánh giá và biến các thông tin đó thành đề xuất. Có được người lãnh đạo có khả năng phân tích và có đầu óc kinh doanh là hết sức quan trọng. Vì cấp lãnh đạo có quyền ra quyết định, họ sẽ chuyển các đề xuất thành hành động, điều này sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh trực tiếp. Để đạt được điều này, các nhà phân tích dữ liệu phải mạo hiểm, không sợ rủi ro. Kim chỉ nam đó là thử và học sớm thất bại thì sẽ thành công nhanh hơn. Mối quan hệ tin cậy, trao đổi thông tin và hợp tác là nền tảng quan trọng cho sự thành công lâu dài của công ty.
Ngoài ra còn cần có nhiều kỹ năng liên quan. Với sự chuyển đổi hướng dữ liệu này, bộ phận tiếp thị phải học cách “nói nhiều ngôn ngữ khác nhau” như tài chính, kế toán, thống kê và CNTT. Để tập hợp các nguồn lực này, công ty phải thay đổi mô hình tổ chức của mình.
- Cách mạng mô hình tổ chức
Công nghệ đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc cách mạng này, tạo điều kiện cho việc áp dụng mô hình kinh doanh hướng dữ liệu. Mục tiêu nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh. Để làm điều đó, công ty cần xây dựng cho được kiến trúc thông tin doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay không phải là thu thập dữ liệu mà là tích hợp dữ liệu. Và bài toán đặt ra là: những hệ thống và ứng dụng nào nên được áp dụng để dễ dàng sử dụng dữ liệu chất lượng và phân tích, dự đoán tốt hơn?
Tóm lại, công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn cách các công ty cạnh tranh với nhau. Dịch vụ, giá cả, địa lý và chính trị giờ không còn là lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp phải đi trước hơn một bước nếu muốn trường tồn. Giờ, những công ty thành công là những công ty sử dụng phân tích để tạo lợi thế cạnh tranh, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu để tạo nên hiệu suất kinh doanh vượt trội. Định hướng dữ liệu đòi hỏi sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, nhân sự và mô hình tổ chức. Bạn có sẵn sàng để thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh của công ty mình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét