Khi thực hiện các chiến dịch quảng cáo Adwords, trang đích (landing page) chính là điểm rơi cho các hoạt động nên trang đích landing page chiếm vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp có tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) tốt.
Dưới đây là những bước tối ưu hoá trang đích cho chiến dịch quảng cáo Adwords:
1. Hiểu nhu cầu khách hàng mục tiêu
Việc tối ưu hóa trang đich tùy thuộc vào nhiều yếu tố song nơi bắt đầu tốt nhất vẫn là từ nơi cơ bản nhất: khách hàng của bạn là ai và cái họ cần là gì. Một chiến dịch có thể có nhiều mục tiêu và trang đích có thể chứa nhiều call-to-action (yếu tố gây kích thích khách hàng có hàng động cụ thể như click vào nút đăng kí thành viên, nút mua hàng …) cho từng phân khúc khách hàng, tuy nhiên lời khuyên ở đây là hãy tránh những cám dỗ như thế mà hãy tập trung vào một lợi ích chính. Chiến thuật tốt nhất nên làm là một chiến dịch – một phân khúc khách hàng – một mục tiêu cụ thể.
Thế khách hàng mục tiêu của bạn mong muốn điều gì? Họ muốn một giải pháp đơn giản, cụ thể cho (những) vấn đề của họ. Và công việc của bạn là đưa họ những giải pháp đó.
Hãy xem sự khác biệt trongg hai trang đích sau. Tôi gõ vào khung tìm kiếm từ khóa “PPC Consultant” và click vào hai mẩu quảng Adwords để vào trang đích của họ. Ở đây, tôi nhấn vào kết quả thứ nhất và kết quả thứ ba.
Ta xét trang đích của công ty Push. Họ dùng trang chủ để làm trang đích và thật sự không có sự xuyên suốt giữa từ khóa và mẩu quảng cáo trong trang đích của họ. Từ khóa tôi dùng là “PPC Consultant” nghĩa là chắc chắn tôi đang tìm một PPC Consultant (nhà tư vấn làm PPC) và mẩu quảng cáo thu hút sự chú ý của tôi vì trong đó có đề cập đến chứng chỉ Adwords. Nhưng bên trong trang đích hoàn toàn không nói gì liên quan tới PPC hay chứng chỉ Adwords – thay vào đó là những câu hỏi hết sức khó chịu. Ở khía cạnh người dùng tôi chỉ muốn có câu trả lời và giải pháp cho nhu cầu của mình.
Trang đích của công ty Periscopix thì có phần tốt hơn – họ đưa ra ngay giải pháp và cho biết sẽ bắt đầu từ đâu bằng việc xem qua tài khoản PPC hiện tại của tôi như thế nào. Sau đó là phần giải thích vì sao phải làm như thế và giới thiệu đội ngũ thực hiện làm việc này. Trang đích này có một mục tiêu rõ ràng và thích đáng cho khách hàng.
2. Tạo sự tin tưởng nơi khách hàng
Có nhiều cách viết tối ưu trang đích trong đó một kĩ thuật nổi tiếng của nhà marketing trực tiếp Dan Kennedy vẫn thường được dùng là kĩ thuật PAS: Problem – Agitate – Solve.
Ý tưởng của kĩ thuật PAS là chia nhỏ trang đích thành ba công đoạn riêng biệt:
Problem (Bài toán): xác định vấn đề cần xử lí.
Agitate (Thảo luận): mổ xẻ vấn đề một cách kĩ lưỡng.
Solve (Giải pháp): đưa ra sản phẩn/dịch vụ cho vấn đề.
Vậy lí do gì để khách hàng sử dụng giải pháp của bạn?
Hãy đưa ra các bằng chứng thực tế:
Chứng thực từ khách hàng: những nhận xét thực tế của khách hàng, nếu là video thì càng tốt.
Đưa ra các case studies về việc khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn đề giải quyết vấn đề.
Trường hợp nếu đã từng có khách hàng lớn trong quá khứ (ví dụ như những thương hiệu lớn) thì hãy đưa vào trang đích.
3. Trang đích với mục tiêu cụ thể
Khi người dùng vào một website mới thì trong vòng năm giây họ đã đánh giá có ở lại website hay nên đi qua website khác. Người dùng sẽ không tốn thời gian để tìm kiếm trên website của bạn trừ khi họ có lí do buộc phải làm thế. Do đó tốt hơn hết hãy cụ thể hóa những gì bạn cung cấp kèm những lợi ích đi cùng. Ví dụ, nếu đang bán phần mềm giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc thì nên đưa ra dẫn chứng từ khách hàng (hoặc từ chính kinh nghiệm sử dung phần mềm của bạn) rằng phần mềm giúp tiết kiệm được bao nhiêu thời gian.
Khi lên kế hoạch cho trang đích cần nhớ 4 điều sau:
Sản phẩm của bạn có thể giải quyết vấn đề gì?
Lợi ích khi sử dụng sản phẩm của bạn.
Đặc điểm ưu việt của sản phẩm – Sản phẩm có gì khác so với của đối thủ
Khách hàng cần biết những gì về sản phẩm của bạn – họ quan tâm/lo lắng vấn đề gì?
Dựa trên những tiêu chí này ta xây dựng lên trang đích bao gồm những lợi ích và cách giải quyết vấn đề của khách hàng, cùng những chi tiết cụ thể vì sao sản phẩm/dịch vụ của bạn là giải pháp tốt nhất
Trong việc xây dựng trang đích, quan trọng nhất chính là phần tiêu đề cho trang đích vì đây gần như là nơi duy nhất người dùng sẽ đọc. Nghiên cứu cho thấy hơn 80% người dùng chỉ đọc tiêu đề để nắm bắt nội dung bên trong trang web vì thế cần đảm bảo tiêu đề phải rõ ràng, thu hút người đọc, nêu bật được lợi ích cho khách hàng.
4. Nội dung hay cần có thiết kế đẹp
Bên cạnh nội dung, hình thức thể hiện và thiết kế của trang đích cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm nên trang đích thành công. Người dùng quan tâm rất nhiều đến giao diện của một website và họ không dành thời gian dành cho những website đuợc làm một cách cẩu thả, như thể đó là một sự thiếu tôn trọng khách hàng.
Có nhiều yếu tố cần quan tâm khi thiết kế trang đích như: vị trí các thành phần, menu, âm nhạc, ánh sáng, màu sắc (như sẽ thấy trong infographic dưới đây, mỗi màu sắc có nhiều ý nghĩa khác nhau cho những mục đích khác nhau). Tất cả sẽ được người dùng phán đoán khi họ vào trang đích của bạn.
Vấn đề quan trọng là làm thế nào gây được sự kích thích nơi khách hàng ngay tại thời điểm họ vừa ghé vào trang đích – đây có thể là nút “mua ngay”, “liên hệ ngay”, “miễn phí” … Việc này đòi hỏi cả một chiến lược cụ thể để tạo ra một lộ trình nhất quán cho người dùng, bắt đầu từ tiêu đề cuốn hút người đọc (đưa ra giải pháp cho họ), đến những bằng chứng cụ thể (logo khách hàng, case studies, xác nhận của khách hàng) tiếp đó mới đưa ra CTA, mời gọi người dùng hành động.
Infographic dưới đây đưa ra những gợi ý cơ bản cho việc thiết kế một trang đích thành công:
5. Kiểm tra thiết kế trang đích
Khi đã có trang đích với thiết kế đẹp, nội dung hấp dẫn, việc cần làm tiếp theo là đưa vào kiểm thử, nghĩa là cần tạo thêm một thiết kế trang đích khác và so sánh hiệu quả trang đích mang về. Có khá nhiều công cụ manh mẽ giúp thực hiện việc này như Google Optimiser trong Google Analytics, Maxymiser (công cụ có tính phí, mạnh về phân tích website dựa trên cơ sở dữ liệu khách hàng của họ), KISS Metric – phân tích website, đánh giá khách hàng tiềm năng.
Cách kiểm tra đơn giản nhất là kiểm tra A/B, lên mục tiêu cho từng trang đích, chạy thử nghiệm xem hiệu quả trang đích nào cao hơn.
Ngoài ra còn có kiểm tra đa chiều trên những trang có lưu lượng lớn bằng cách thay đổi màu sắc, vị trí các nút, hình ảnh, thay đổi một phần nội dung trang đích… để có được sự kết hợp tốt nhất giữa các yếu tố trên trang đích.
Một công cụ hữu ích khác khi kiểm tra trang đích là Crazy Egg – công cụ này cho phép lập bản đồ nhiệt để xem những nơi nào được người dùng nhấp vào nhiều. Công cụ cho biết chỗ nào cần kiểm tra và chổ nào cần thay đổi để trang đích hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, hãy dùng nhiều thời gian xem báo cáo từ Google Analytics như thời gian người dùng ở lại trên trang là bao lâu, từ trang đó họ đi tiếp qua trang nào … Những số liệu ấy sẽ cho biết trang đích của bạn có đang tạo ra lợi nhuận cho việc kinh doanh hay khiến người dùng tốn thời gian nghiên cứu dịch vụ của bạn, họ chia sẻ trang đích đến nhiều người trên mạng xã hội hay họ rời website sau khi xem trang đích…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét